Tin nổi bật

Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời

---------

Lớp học đặc biệt

Sáng cuối tuần, bất chấp cơn mưa nặng hạt, ông Nguyễn Văn Chính Trung (52 tuổi) vẫn chạy xe máy từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đến quận Bình Thạnh (TPHCM) tham gia lớp học làm bánh miễn phí của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (74 tuổi, quận Bình Thạnh).

Ông Trung thường xuyên tham gia các buổi nấu ăn từ thiện. Thế nên, khi biết có lớp dạy làm bánh miễn phí, ông đăng ký tham gia “để nâng cao tay nghề”. Đến nơi, ông bất ngờ khi thấy lớp học đông thành viên và đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên của lớp học đặc biệt nói trên, vốn không phải là đầu bếp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bà đam mê nấu ăn từ bé.

Suốt thời thanh xuân, dù làm việc ở đâu, trong môi trường nào bà cũng đều cố gắng học tập, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm nấu ăn. Khi có thời gian, bà ghi danh, đến các lớp dạy nấu ăn học.

Những năm chuyển sang công tác trong ngành du lịch, bà Hạnh được giao nhiệm vụ dạy khách nước ngoài nấu các món ăn Việt khi họ đến Việt Nam.

Sau khi nghỉ hưu, nhận thấy bạn bè, người quen có nhu cầu học nấu ăn, bà Hạnh mời đến nhà, tổ chức các lớp miễn phí. Ban đầu, bà dạy làm các món mặn.

Nhưng vì chi phí chuẩn bị nguyên liệu lớn, nhiều người có nhu cầu học làm bánh, bà chuyển sang dạy làm bánh. Từ đó, bà duy trì lớp dạy làm bánh miễn phí cho người cần.

Bà Hạnh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi đến các nhà thờ, chùa,… dạy nấu ăn miễn phí. Sau này, thấy mọi người cần, tôi mở lớp tại nhà.

Ai có lòng đến học, tôi đều đón nhận, dạy hết mình. Đa số ai đến đây cũng đều có đam mê làm bánh cho người thân, bạn bè. Cũng có người đến học để về làm bánh, mở tiệm kinh doanh.

Mọi người đến đây đều được miễn phí tất cả, tôi không thu bất kỳ khoản nào. Đến nay, tôi đã duy trì lớp học được khoảng 12 năm. Ban đầu lớp chỉ vài người, đến nay lớp có từ 30-35 học viên tham gia”.

Cám ơn cuộc đời

Lớp học làm bánh của bà Hạnh bắt đầu từ 8h-11h30 sáng Chủ nhật. Mỗi buổi học, bà Hạnh hướng dẫn chế biến 1 hoặc 2 loại bánh.

Để tiết kiệm thời gian, trước buổi học, bà in sẵn công thức món bánh, phát cho người học. Bà cũng cẩn thận chuẩn bị nguyên liệu từ trước.

Khi đến lớp, học viên được bà thị phạm, trực tiếp hướng dẫn chế biến các món bánh. Suốt buổi học, học viên thoải mái ghi chép, thậm chí chụp ảnh, quay phim những công đoạn khó, chưa kịp nhớ.

Kết thúc buổi học, mọi người nhận các phần bánh do chính tay mình thực hiện mang về nhà.

Dù dạy miễn phí nhưng khi đứng lớp, bà Hạnh đều sử dụng nguyên liệu tươi ngon, chất lượng. Trong lúc giảng dạy, bà cũng tận tâm hướng dẫn, thậm chí bật mí những bí quyết mình đúc kết được sau nhiều năm nấu ăn.

Sự tận tâm của bà được học viên biết ơn, liên tục đăng ký tham gia những buổi học tiếp theo. Bà Phan Thị Khánh Nhu (72 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu), người đã tham gia 4 buổi học của bà Hạnh cho biết: "Tôi đam mê nấu ăn từ nhỏ nên khi biết cô Hạnh dạy miễn phí, tôi háo hức đăng ký.

Ở xa nên tôi dậy lúc 4h, bắt xe từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến TPHCM để kịp vào lớp học. Cô Hạnh dạy rất có tâm. Cô muốn giúp học viên có sự kết nối với gia đình thông qua việc chế biến các món bánh ngon cho người thân.

Lớp học của cô còn hỗ trợ người học có việc làm, tạo thu nhập. Một số trường hợp sau khi học với cô Hạnh đã có thể mở tiệm kinh doanh bánh và thành công”.

Bà Hạnh cho biết, chi phí bỏ ra để duy trì lớp dạy làm bánh không nhỏ. Tuy nhiên, bà không cảm thấy mất mát mà nhận được rất nhiều thứ từ lớp học đặc biệt này.

Bà tâm sự: “Tôi xem mỗi học viên là mỗi bông hoa đem đến niềm vui cho mình. Thế nên thay vì mua sắm, đi du lịch, tôi dành thời gian, tiền bạc để mở lớp dạy làm bánh cho người cần.

Đến lớp, các học viên có niềm vui, hạnh phúc là nấu được món ngon cho người thân, gia đình. Hạnh phúc đó của các học viên cũng là hạnh phúc của tôi.

Tôi nhớ, có lần một học viên chia sẻ việc không hòa thuận với mẹ chồng. Nhưng nhờ tham gia lớp học, khi về nhà, cô ấy cùng mẹ chồng chế biến món bánh được học từ lớp. Từ đó, tình cảm mẹ chồng nàng dâu tốt dần lên. Những điều ấy khiến tôi rất vui và trở thành động lực để duy trì lớp học.

Tôi có một cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy, tôi muốn dùng những ngày còn lại trong tuổi xế chiều của mình làm những việc tốt để cám ơn cuộc đời”.