-----
Có những áng văn ra đời trong thời khắc trọng đại của đất nước đã để lại dấu ấn không phai mờ trong dòng chảy của lịch sử. Nó sống mãi với thời gian dù cuộc sống mỗi ngày một thay đổi. Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt quý giá như vậy.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Sau khi Người từ trần, trong một buổi họp bàn tổ chức tang lễ Người, Bộ Chính trị đã giao cho một số đồng chí chuẩn bị dự thảo Điếu văn. Theo tinh thần cuộc họp, lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức với nghi lễ trọng thể nhất, tiến hành quốc tang trong bảy ngày (từ ngày 4/9 đến 10/9), lễ viếng bắt đầu từ sáng ngày 6/9 tại Hội trường Ba Đình, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể vào ngày 9/9 tại Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945.
Bản điếu văn được viết bằng giọng văn chính luận, không lâm ly, bi ai như các bài văn tế bình thường. Kết cấu điếu văn chặt chẽ, khúc chiết theo thể thức văn nghị luận, lời văn hàm súc phản ánh tình cảm sâu sắc của các thế hệ người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng lời, từng chữ trong văn kiện lịch sử đó vẫn làm rung động trái tim, tâm hồn nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Sức truyền cảm của bản điếu văn vừa thể hiện lòng biết ơn thành kính của toàn Đảng, toàn dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân tộc biến đau thương thành sức mạnh hành động quyết tâm đi tiếp con đường của Người phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh!
Kính mời các đồng chí và các bạn cùng nghe lại bản Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đọc ngày 09/9/1969 cùng với Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-----