Ngày 12/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức chương trình tập huấn cho các Dự án, Ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 với Chủ đề “Kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh, phương pháp đưa dự án phát triển phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh”.
Đến tham dự chương trình có đồng chí Võ Thị Phương Diệu – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh; anh Võ Văn Phong – Giám đốc công ty Truyền thông và Du lịch C2T cùng với sự tham gia của 26 dự án, ý tưởng khởi nghiệp lọt vào vòng 4 của Hội thi Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi xanh”.
Tham gia tập huấn lần này có 15 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể: Phần dự án có 10 đề tài (“Natlife - Sợi xanh từ vi nhựa”; “BeeLife Ventures - Ong Số Xanh”; Sản xuất bioplastic từ vỏ sầu riêng; Khô Lươn Xanh - Sản phẩm bền vững từ thiên nhiên; S2M - Da sinh học từ vỏ trái cây; Hệ thống lọc nước cường độ cao sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi trồng thủy sản; Dây chuyền sản xuất bánh tráng bán tự động ứng dụng năng lượng mặt trời; Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp các nguyên liệu địa phương; Ứng dụng công nghệ iot, AI để chế tạo hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm của đất và độ mặn trong nước, kết hợp xử lý nước nhiễm mặn để tưới tiêu, làm hạn chế thiệt hại và tăng hiệu quả kinh tế cho cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Bến Tre GreenAir - “Ứng dụng Túi Than Hoạt Tính lọc không khí từ Gáo Dừa Bến Tre trong Chuyển Đổi Xanh và Khởi Nghiệp Bền Vững”); Phần ý tưởng có 05 đề tài (Thuốc trừ sâu sinh học; Đèn Bàn Thân Thiện Với Môi Trường; Ứng dụng công nghệ Iot để chế tạo thiết bị phát hiện và báo động khi sạt lở đất bờ sông; Ứng dụng hoạt chất solanine chiết xuất từ vỏ củ khoai tây lên mầm để nghiên cứu tạo chế phẩm trừ sâu sinh học; Vật liệu FPT xanh thân thiện môi trường thay thế cho vật liệu truyền thống, kết hợp tạo App thông minh dự đoán kết quả trong thí nghiệm phục vụ cho lĩnh vực ngành xây dựng).
Tại chương trình các dự án, ý tưởng được anh Võ Văn Phong – Giám đốc công ty Truyền thông và Du lịch C2T, một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh về xây dựng du lịch, truyền thông theo xu hướng xanh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong đó Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Do đó, Chính phủ nước ta đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 28 về việc giảm phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050, sự thay đổi trong nhận thức của người dân về những tác động của biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường dẫn ý thức và trách nhiệm của cộng đồng xã hội ngày càng được nâng lên thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp có mục tiêu xã hội và khởi nghiệp xanh, nhằm giải quyết những thách thức này thông qua các giải pháp sáng tạo và bền vững, người tiêu dùng hiện nay ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tác động của sản phẩm và dịch vụ đến môi trường. Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp xanh là việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn đầu tư do các dự án xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và có chu kỳ hoàn vốn kéo dài. Việc tìm kiếm nguồn vốn đủ để phát triển và duy trì hoạt động của một doanh nghiệp xanh là một thách thức đáng kể. Mặt khác, do nhà đầu tư truyền thống chưa hiểu hoặc không quan tâm đến các mô hình “kinh tế xanh” nên việc tìm kiếm tài trợ, vốn đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp xanh còn nhiều khó khăn từ đó hướng dẫn các dự án, ý tưởng điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, phương pháp đưa dự án phát triển phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh để tăng tính khả thi khi kêu gọi và thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.