Tin nổi bật

Thạnh Phú: Thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi chim yến phụng

Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên tại huyện Thạnh Phú tích cực tham gia Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” do Tỉnh ủy phát động. Các hoạt động khởi nghiệp của huyện ngày càng đi vào chiều sâu, tạo điều kiện, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và làm giàu.

Một số mô hình khởi nghiệp khá hiệu quả của thanh niên của huyện đang được thực hiện như: sản xuất thiết bị nuôi trồng thủy sản, trồng kiểng lá, liên kết sản xuất dữa hữu cơ, trồng dưa lưới trong nhà màng...

Tại xã Hòa Lợi, anh Võ Thanh Đoàn, 31 tuổi, ngụ ấp Quí Thuận B bén duyên với nghề nuôi chim yến phụng đã 6 năm. Đến thời điểm hiện tại, mô mình này của anh Đoàn đã cho thấy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Năm 2014, được một người bạn ở xã Tân Phong định hướng cho anh Đoàn tiếp cận với mô hình nuôi chim yến phụng. Đây là loài chim được nhiều người mua về làm cảnh vì màu sắc của chúng rất đa dạng, đẹp mắt lại có giọng hót hay. Theo đó, anh Đoàn đến tỉnh Tiền Giang mua 60 cặp với giá 6 triệu đồng về nuôi. Anh Đoàn cho biết, chim yến phụng thuộc loại dễ nuôi, ít tốn thời gian chăm sóc, chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Sau khi nuôi hơn 3 tháng, chim bắt đầu sinh sản, mỗi chim mẹ cho ra từ 7-8 trứng với tỷ lệ nở hơn 50%. Tức là, mỗi cặp chim bố mẹ cho ra khoảng 2 cặp chim con. Chu kỳ sinh sản của cặp chim bố mẹ tiếp tục sau gần một tháng rưỡi.

 Từ 60 cặp chim giống ban đầu, đến nay, anh Đoàn đã phát triển được 200 cặp chim yến phụng bố mẹ với đủ các màu sắc sặc sỡ, như: xanh, vàng, trắng, xám... Hiện nay, với giá bán dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/cặp, mỗi tháng anh Đoàn bán ra thị trường khoảng 100 cặp, trừ đi chi phí anh còn lãi hơn 7 triệu đồng. Chim yến phụng được anh bán cho các cửa hàng chim cảnh tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và cả Thành phố Hồ Chí Minh…

Thức ăn chính của chim yến phụng là hạt kê và lúa. Mỗi tuần, anh Đoàn bổ sung thêm chất xơ bằng bắp tươi, rau xanh, khoai mì… Thêm vào đó, để bổ sung canxi cho vỏ trứng chắc khi chim sinh sản, anh cho chim ăn thêm nang mực. Về nguồn nước, anh Đoàn lưu ý, nước cho chim uống phải sạch và được theo dõi thường xuyên. Theo anh, nên cho chim uống nước lọc đóng bình, không nên cho chim uống nước mưa vì dễ bị tiêu chảy.

Trong các khâu nuôi chim, khâu sang chim khá quan trọng. Mỗi lồng nuôi chim yến phụng của anh có 30 ô nhỏ chứa 30 cặp chim. Theo đó, khi chim đến thời điểm tách mẹ, cần chọn những cặp chim cùng kích cỡ bỏ vào cùng một ô để chim mau lớn.

Nguồn cung chim yến phụng cho các cơ sở đang thiếu hụt nên anh Đoàn dự định mở rộng thêm mô hình. Anh Đoàn bộc bạch: “Lúc trước tôi cũng đi làm nhiều nghề sau đó bắt đầu nuôi chim yến phụng. Ban đầu tôi nuôi chỉ 60 cặp giờ nhân rộng được khoảng 200 cặp. Thu nhập hiện tại đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nếu đoàn viên, thanh niên khác có ý định cùng thực hiện mô hình này, sẽ hỗ trợ để nhân rộng cùng nhau phát triển kinh tế, tăng nhu nhập cho bản thân, gia đình”.

Nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi chim, anh Võ Thanh Đoàn tự kết lồng chim, tổ chim. Đồng thời, anh còn làm lồng, tổ để bán cho những người có nhu cầu. Để nhân rộng mô hình, gần đây anh cung cấp giống cho một thanh niên tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam 50 cặp để nuôi. Trong quá trình nuôi chim yến phụng, anh Đoàn tận tình chia sẻ về kỹ thuật, hướng dẫn các khâu chăm sóc để chim sinh trưởng, phát triển tốt. Đầu ra của chim yến phụng được anh Đoàn đảm bảo cho các thanh niên cùng thực hiện mô hình.

Tham quan mô hình nuôi chim yến phụng của anh Võ Thanh Đoàn. (Ảnh: Minh Mừng)

Cùng với việc nuôi chim yến phụng, hiện anh Đoàn còn nuôi thêm 20 cặp chim manh manh sinh sản. Chim có màu sắc đẹp, hót hay và dễ nuôi. Tuy nhiện, người nuôi cần có sự kiên trì, chăm sóc kỹ càng. Một cặp chim manh manh được nuôi hoàn toàn khỏe mạnh thì chỉ cần khoảng 3 tháng sau là chúng có thể đẻ trứng và ấp nở ra chim con. Ổ của những cặp chim đẻ có thể lên đến 10 quả trứng. Chim manh manh có giá trị cao gấp đôi chim yến phụng, mỗi cặp chim bố mẹ có giá khoảng 500 ngàn đồng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bí thư Xã đoàn Hòa Lợi cho biết, ngoài làm kinh tế, với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn của ấp, anh Đoàn còn năng nổ tham gia các hoạt động của địa phương; tích cưc vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động của đoàn các cấp phát động.

“Mô hình nuôi chim yến Phụng của anh Võ Thanh Đoàn đang thực hiện là mô hình sinh kế mới tại địa phương, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhận thấy tín hiệu tích cực từ mô hình, trong thời gia qua, Xã đoàn cũng như Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã có sự quan tâm, hỗ trợ hướng dẫn anh Đoàn để tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển, nhân rộng mô hình. Thời gian qua, có nhiều thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan mô hình này và có ý định thực hiện mô hình để tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập. Định hướng của xã đoàn trong thời gian tới sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện cho anh Đoàn cũng như các thanh niên khác nhân rộng mô hình, làm phong phú thêm các mô hình trong thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh” tại tỉnh Bến Tre” - Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết thêm.

Để khởi nghiệp, lập nghiệp và làm giàu, đoàn viên thanh niên cần phát huy tinh thần, sức trẻ, không ngại khó, có hướng đi bền vững tương lai. Theo đó, những mô hình kinh tế như anh Võ Thanh Đoàn thực hiện cần được nhân rộng. Từ đó, khẳng định vai trò tuổi trẻ huyện Thạnh Phú trong thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” trong thời gian tiếp theo./.