Giữa lúc hạn mặn diễn ra gay gắt, người dân phải tốn hơn 100.000 đồng để đổi từng m3 nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, nhưng anh Phạm Minh Tân, 29 tuổi, ngụ xã Quới Điền lại tiếp nước miễn phí cho người dân có nhu cầu.
Hiện tại, anh Tân còn 4 mương nước ngọt trữ quanh vườn để tưới cho kiểng lá. Lượng nước dự trữ khá nhiều, nên gần đây anh chia sẻ miễn phí cho người dân tại địa phương hoặc các vùng lân cận. Theo đó, hằng ngày có chừng 10m3 nước được người dân trong xóm đến lấy, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi.
Anh Phạm Minh Tân chăm sóc vườn kiểng lá
Theo anh Tân, rút kinh nghiệm từ mùa hạn mặn năm 2016, khi làm đất, anh Tân tạo những bờ liếp trong mương vườn khá dày, quy hoạch mương trữ trước thành nhiều vòng xung quanh nên nước mặn khó xâm nhập. Nếu mặn xâm nhập vào mương phía ngoài thì các vòng trong vẫn được bảo vệ và đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu.
Vườn kiểng lá anh Tân đang trồng có diện tích khoảng 5.000 m2 bao gồm khoảng 20 loại kiểng lá: trúc đốm, cau vàng, đinh lăng, nguyệt quế thái, trầu bà, tùng hoàng kim, u lá xoắn…. Để trồng các loại kiểng lá này, Tân phải nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng của vùng đất tại nhà xem có phù hợp trồng các loại này hay không, sau đó mua giống tại một số cơ sở tại huyện Chợ Lách và cả ở huyện Thạnh Phú để trồng. Trong số này, u lá xoắn được trồng nhiều nhất với 2.000 m2.
Theo anh Phạm Minh Tân, trồng kiểng lá dễ làm, nhẹ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Trồng 1 lần có thể thu hoạch từ 7 đến 10 năm tùy loại cây. Ðặc biệt, trồng kiểng bán lá, người trồng hoàn toàn chủ động trong khâu thu hoạch, không phải lo “hoa nở, hoa tàn” như các loại cây khác, cũng không phải lo trễ thu hoạch như lúa, hoa màu, cây trái...
Đối với việc bón phân, anh Tân tận dụng nguồn phân chuồng từ việc chăn nuôi của gia đình cùng với nguồn phân thu mua của các hộ nuôi gà xung quanh, pha trộn chất trồng như trấu đốt, đất, xơ dừa phù hợp là được. Cùng với đó, tùy theo loại cây mà bón phân, tưới nước cho hợp lý. Mỗi ngày, Tân đều có mặt tại vườn quan sát thường xuyên để biết và điều chỉnh lượng phân, nước cho hợp lý.
Để thực hiện mô hình này thành công, anh Phạm Minh Tân chịu khó nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước từ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, đến đóng gói, vận chuyển… Thị trường tiêu thụ kiểng lá của anh là các vựa kiểng lá lớn ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và phân phối tại các shop hoa kiểng tại các tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Cà Mau. Về giá cả, tùy theo từng loại kiểng lá, cụ thể như: u lá xoắn 5.000 đồng/bó, đinh lăng 15.000 đồng/ký, tùng hoàng kim 100.000 đồng/ký, trầu bà Nam Mỹ từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/lá... Theo đó, hằng tháng lợi nhuận anh Tân thu về hơn 10 triệu đồng từ việc bán kiểng lá.
Ngoài kiểng lá, anh Tân còn nhận các dịch vụ khác như nhận thiết kế, thi công các công trình cây xanh; kinh doanh các loại cây cảnh, cây công trình, cây ăn quả;.. Anh lựa chọn mạng xã hội zalo và facebook là hai kênh chính để nhận các dịch vụ cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình.
Hiện tại anh Tân đã nhân rộng mô hình trồng kiểng lá cho 20 hộ dân tại các xã Đại Điền, Tân Phong, Mỹ Hưng, Quới Điền, An Thạnh và thị trấn Thạnh Phú với quy mô khoảng 1.000m2. Đa số các vườn kiểng lá này đều phát triển tốt, số ít bị ảnh hưởng bởi mặn do người dân chưa đảm bảo tốt nguồn nước tưới tiêu thời điểm hạn mặn diễn ra gay gắt. Tới đây, Tân dự định sẽ tiến hành liên kết với các thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh để đưa kiểng lá đến nhiều người dân cùng trồng, mở rộng nguồn nguyên liệu cung ra thị trường. Qua đó cũng tạo việc làm cho người dân, cải thiện thu nhập và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, khi liên kết với Tân, người dân sẽ được cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra của sản phẩm.
Được biết, năm 2018, mô hình trồng kiểng lá của anh Phạm Minh Tân đạt giải nhất hội thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp của huyện Thạnh Phú. Theo đó, anh Tân sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 2.000 m3 đất kém hiệu quả khác và tiếp tục liên kết với các hộ khác để mở rộng quy mô trồng kiển lá. Đồng thời, hướng tới quy hoạch không gian xanh, đẹp, bắt mắt, cũng như liên kết với các điểm du lịch của huyện để hình thành chuỗi tham quan và cung cấp sản phẩm./.