Anh Dương Công Thức, sinh năm 1982, quê ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre vốn là Bí thư Chi đoàn ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Là Bí thư Chi đoàn nhiệt tình, năng nổ, hết lòng với công tác Đoàn, các hoạt động Đoàn – Hội do Xã đoàn tổ chức anh đều nhiệt tình tham gia. Ngoài ra, anh còn là một thanh niên có ý chí vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Qua tìm hiểu nguồn vốn vay giải quyết việc làm phát triển kinh tế cho thanh niên, anh làm hồ sơ xin vay vốn từ nguồn vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung Ương Đoàn thông qua Tỉnh đoàn và ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc để làm mô hình nuôi lươn không bùn.
Anh Dương Công Thức
Với số tiền vay được từ nguồn vốn giải quyết việc làm, anh bỏ ra số tiền 30 triệu đồng xây mới hồ nuôi lươn gồm 03 ngăn dán gạch men, diện tích 70m2, anh đầu tư 10 triệu đồng mua 2.000 con lươn và phần còn lại để mua thức ăn cho lươn, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, mỗi đợt anh thu lãi trên 10 triệu đồng.
Chia sẻ về mô hình nuôi lươn không bùn, anh Thức chia sẻ: “nuôi lươn không khó, dễ chăm sóc, quản lý, đặc biệt là có thể tận dụng diện tích đất của gia đình để nuôi. Thức ăn chính cho lươn là thức ăn viên công nghiệp để đảm bảo độ đạm cao và ăn thêm cá tạp, ốc... phải còn tươi sống, không bị thối và không có hóa chất bảo quản. Nếu dùng cá tạp cho lươn ăn, nên xay nhuyễn, làm ruột, rửa sạch hay cắt nhỏ pha trộn thêm. Nếu thức ăn dư thừa, hôi, sẽ dễ bị bệnh. Cứ 3,5 - 4 kg thức ăn sẽ thu hoạch 1 kg lươn thương phẩm. Thông thường, thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng, trọng lượng nuôi đạt 4 - 5 con/kg là có thể xuất bán được. Ước tính với giá giao động từ 60.000 - 100.000 đồng là người nuôi đã có lời. Ngoài ra khâu chọn con giống cũng rất quan trọng, chọn con giống phải có trọng lượng đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, da màu vàng sẫm, trơn, nhớt, da không bị sây xước... là được. Nuôi lươn không khó, vấn đề quan trọng phải thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn, nếu phát hiện lươn bệnh phải cách ly và điều trị kịp thời, anh cho biết thêm: Thời gian đầu khi thả lươn vào hồ nuôi, lươn hay bị “sốc môi trường”, hay bệnh sốt nóng, biểu hiện thải nhiều nhớt, xoắn mình vào nhau, ngoi đầu lên mặt để thở, nếu để nặng, lươn có thể bị xuất huyết và chết hàng loạt. Khi nuôi nên thường xuyên kiểm tra bể nuôi, không để rắn, ếch, chuột xâm nhập vào bể sẽ gây thiệt hại. Thời tiết ảnh hưởng rất lớn khi nuôi lươn không bùn. Nuôi lươn không bùn khác nuôi lươn có bùn là có thể kiểm soát được dịch bệnh, còn nuôi lươn có bùn thì không kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, còn tận dụng được diện tích đất trong gia đình để nuôi. Khi cho lươn ăn phải luôn nắm vững 4 nguyên tắc “định chất, định lượng, định vị trí, định thời gian”. Màu sắc lươn ảnh hưởng đến thức ăn, sử dụng đạm 40% lươn sẽ phát triển tốt hơn,…”.
Ngoài nuôi lươn anh Thức còn tận dụng thời gian làm thêm nhiều việc kiếm thêm thu nhập gia đình như chăn nuôi bò, buôn bán hoa kiểng, kinh doanh,…
Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Thức sẽ giúp địa phương đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nhất là trong tình hình hiện nay, giá cả một số đối tượng thủy sản khác ngày càng bấp bênh thì mô hình nuôi lươn không bùn lại có đầu ra ổn định, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng, góp phần cải thiện thu nhập trong đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo./.