Tin nổi bật

Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Tiếng loa an ninh” trên địa bàn xã Phú Hưng

Thời gian gần đây, cứ vào khoảng 17h thứ 6 hàng tuần, người dân xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre đã dần quen thuộc với âm thanh phát ra từ chiếc loa đặt trên xe máy chạy khắp các con đường để thông báo về tình hình an ninh trật tự, nhắc nhở người dân cảnh giác với tình tội phạm, cướp giật tài sản. Đây là mô hình được Đoàn thanh niên phối hợp cán bộ văn hóa thông tin xã Phú Hưng triển khai nhằm tuyên truyền cho người dân nắm bắt kịp thời tình hình an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương trong và ngoài tỉnh, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết “Năm không” của Thành ủy Bến Tre đề ra, trong đó nội dung “không để tăng thêm người nghiện ma túy; không còn nạn trộm cắp trên địa bàn” là một mục tiêu rất khó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Mô hình “Tiếng loa an ninh” được triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, các loại tội phạm; làm cho người dân, nhất là thanh thiếu niên nhận thức rõ tác hại nguy hiểm của sử dụng ma túy, tội phạm ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Thời gian qua, tình hình tội phạm về trộm cắp tài sản, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội như sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc trên địa bàn xã Phú Hưng vẫn còn xảy ra, diễn biến đôi lúc còn phức tạp. Từ đây, Ban Chấp hành Đoàn xã đã phối hợp với cán bộ văn hóa thông tin – thể dục – thể thao xã và Chi ủy chi bộ các ấp đã tiến hành tìm địa điểm thuận tiện để phát thanh “Tiếng loa an ninh” định kỳ vào các ngày thứ 6 hàng tuần. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, đã tuyên truyền được 13 cuộc trên địa bàn 03 ấp Phú Hào, Phú Hữu, Phú Tự. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; cách bảo quản tài sản của người dân; cách phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản; tuyên truyền số điện thoại của công an xã, công an thành phố và đội cảnh sát 113; nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản của mình.

Ngoài việc đưa “Tiếng loa an ninh” đến được những vùng quê xa nhất, hẻo lánh nhất, những nơi tiếng loa truyền thanh không truyền tới được, mô hình này còn được triển khai thực hiện trước các cổng trường Tiểu học Nguyễn Trí Hữu, trường Tiểu học Phú Hưng, trường THCS Phú Hưng,…giúp cho phụ huynh học sinh và các em hiểu được lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện và các thủ đoạn, chiêu trò của các loại tội phạm để phòng ngừa.

Cán bộ văn hóa thông tin xã phối hợp Đoàn thanh niên mang “ Tiếng loa an ninh” đến những vùng quê hẻo lánh (Ảnh:Phương Thảo)

Ông Lê Văn Nghiệp - ấp Phú Tự, xã Phú Hưng cho biết: “mô hình tiếng loa an ninh đã góp phần nhắc nhở bà con nơi đây nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm, đề phòng các đối tượng ma túy với phương châm ngừa bệnh hơn trị bệnh”.

Sau gần 4 tháng triển khai mô hình, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã bước đầu có những chuyển biến tích cực: nếu như tháng 3/2017, ghi nhận 01 vụ báo mất trộm 13 chỉ vàng 18k và hơn 7 triệu đồng; 01 vụ cướp giật tài sản trên tuyến lộ Thầy Cai, tài sản thiệt hại là 01 dây chuyền vàng 18k thì đến tháng 5/2017, chỉ ghi nhận 01 vụ trộm cắp xe máy, vụ việc đã được lập biên bản và đang tiến hành xác minh. Trong tháng 5, nhờ thường xuyên thông tin, cung cấp số điện thoại của công an các cấp mà có 02 vụ người dân khi bị mất cắp tài sản đã kịp thời điện báo công an chốt chặn bắt được 2 đối tượng trộm cắp đang trên đường tẩu thoát.

Nói về mô hình này, Ông Huỳnh Văn Phu -Trưởng khối vận xã Phú Hưng cho biết: “Mặc dù tình hình trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp, nạn trộm cắp, cướp giật vẫn còn xảy ra. Nhưng thời gian qua, nhờ có mô hình tiếng loa an ninh đã giúp cho đa số người dân trên địa bàn nắm được những thủ đoạn, chiêu lừa của bọn tội phạm mà tự quản, tự phòng. Mô hình như cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, nhất là của lực lượng công an xã, có điều kiện tuyên truyền cho nhân dân, giúp nhân dân tự phòng, tự quản góp phần tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào phòng chống, tố giác tội phạm trong tình hình mới. Từ kết quả bước đầu của mô hình đã giúp giảm bớt tình hình phức tạp về trật tự an toàn xã hôi, nhất là khu vực nông thôn, ít hộ dân, hạn chế về kiến thức pháp luật”.

Ông Huỳnh Văn Phu còn cho biết, thời gian tới và những năm tiếp theo, hệ thống chính trị xã Phú Hưng, trong đó có lực lượng công an và Đoàn thanh niên sẽ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình ngày một thực chất, hiệu quả hơn để góp phần kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng xã Phú Hưng đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020, góp phần xây dựng thành phố Bến Tre đạt chuẩn thành phố văn minh đô thị.


Tin tức nổi bật